Việc sáp nhập các tỉnh, thành phố được xem là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, nhằm tinh gọn bộ máy hành chính, nâng cao hiệu quả quản lý, cũng như khai thác tối đa tiềm năng của từng vùng. Đây là một bước đi mang tầm chiến lược, mở ra một chương mới cho sự phát triển kinh tế và xã hội trên cả nước. Bóng đá Việt Nam cũng nằm trong vòng quay của công cuộc sáp nhập và chịu những ảnh hưởng nhất định từ những chuyển đổi đã cũng như đang diễn ra.
Thực tế cho thấy, nhiều CLB ở Việt Nam hiện nay, dù mang danh nghĩa xã hội hóa, hoạt động theo mô hình doanh nghiệp, nhưng vẫn còn phụ thuộc không nhỏ vào nguồn lực và chính sách của địa phương. Thậm chí, có những đội bóng vẫn nhận được hỗ trợ từ ngân sách nhà nước. Chính vì thế, khi địa phương sáp nhập, những thay đổi trong cơ cấu tổ chức, nhân sự, địa lý hay đơn giản là tên gọi cũng kéo theo hệ lụy với các CLB bóng đá.
Đơn cử, việc CLB Bình Dương được sáp nhập vào Thành phố Hồ Chí Minh sẽ khiến cái tên gắn bó với người hâm mộ đất Thủ suốt những năm qua phải thay đổi. Với nhiều CĐV, đội bóng không chỉ là một tổ chức thể thao, mà còn là biểu tượng của quê hương, là niềm tự hào gắn liền với bản sắc văn hóa vùng miền. Khi cái tên ấy biến mất đi, hoặc bị hòa vào một cái tên mới, sẽ có không ít tiếc nuối, hụt hẫng. Bởi lẽ, bóng đá gắn với cảm xúc, những ký ức, với những sát cánh cùng CLB trên các khán đài.
Rõ ràng, việc sáp nhập sẽ tạo ra những thách thức nhưng cũng có thể trở thành một đòn bẩy cho sự phát triển của bóng đá Việt Nam. Việc hợp nhất nguồn lực, tinh gọn bộ máy quản lý, mở rộng phạm vi hoạt động sẽ tạo điều kiện để các CLB tái cấu trúc, nâng cao tính chuyên nghiệp. Sáp nhập bóng đá sẽ không đơn thuần là thay đổi cái tên, mà là thay đổi tư duy quản lý, hướng đến sự chuyên nghiệp hóa. Sáp nhập bóng đá sẽ tạo ra nhiều bỡ ngỡ, nhưng nếu được thực hiện đúng hướng, đó sẽ là bước đệm bóng đá Việt Nam cất cánh, bước sang một chương mới.