Ngày Jonathan David ra mắt ở Turin, tất cả đều nói về mức lương của tiền đạo Canada: 6 triệu euro/năm cộng 2 triệu thưởng trong 5 năm và hồ hởi coi đó là “một thương vụ miễn phí”. Nhưng thực ra, đằng sau bản hợp đồng tưởng như trọn vẹn này là những khoản chi không hề nhỏ. Trong báo cáo gửi các nhà đầu tư, Juventus tiết lộ thêm 12,5 triệu euro phụ phí, trả trong 3 năm. Đó chính là khoản hoa hồng mà người đại diện của David đòi hỏi suốt nhiều tháng thương lượng, ban đầu lên tới 20 triệu, sau giảm xuống 15 và cuối cùng chốt ở mức 12,5 triệu, nhờ sự kiên nhẫn của các chuyên gia đàm phán của Juve
Hoa hồng cho người đại diện giờ đây đã trở thành một phần tất yếu trong mọi hợp đồng chuyển nhượng, đặc biệt với những cầu thủ tự do. Juventus công khai các con số này vì nghĩa vụ minh bạch của một CLB niêm yết trên sàn chứng khoán, nhưng thực tế, tất cả các đội lớn đều phải chi. Theo báo cáo mới nhất của LĐBĐ Ý (FIGC), Juventus là đội chi hoa hồng nhiều nhất Serie A năm 2024 với 34 triệu euro, tiếp theo là Inter (25 triệu), Napoli (18 triệu), Roma (17 triệu) và Milan (15,3 triệu). Napoli từng cố gắng tiết chế, nhưng cũng không tránh được khi chiêu mộ Kevin De Bruyne theo dạng tự do mới đây. Inter từng trả tới 10 triệu euro tiền hoa hồng để đưa Marcus Thuram về không mất phí chuyển nhượng.
Những khoản hoa hồng đi vào lịch sử
Trong lịch sử, Juventus không thiếu những thương vụ “miễn phí” đắt đỏ. Năm 2012, Paul Pogba rời Man United để đến Turin mà không tốn phí chuyển nhượng, nhưng Mino Raiola bỏ túi 4 triệu euro tiền hoa hồng. Về sau, thương vụ đó mang lại cho Juve tới 115 triệu euro khi bán lại Pogba. Năm 2018, Jorge Mendes nhận 12 triệu euro khi Ronaldo gia nhập Juve từ Real Madrid với giá 100 triệu. Với Matthijs de Ligt, Raiola bỏ túi 10,5 triệu euro khi thân chủ sang Juve với giá 75 triệu. Adrien Rabiot, một “miễn phí” khác từ PSG, cũng tiêu tốn của Juve tới 10 triệu euro trả cho gia đình cầu thủ.
Việc các CLB trả những khoản khổng lồ như vậy không chỉ phổ biến ở Ý. UEFA cũng đã phải can thiệp với những quy định mới, cố gắng siết lại quyền lực và thu nhập của giới đại diện. Nhưng quá trình này còn lâu mới hoàn tất, trong khi các “luật ngầm” của thị trường vẫn tồn tại: cầu thủ tự do đồng nghĩa với người đại diện đàm phán mạnh hơn, và chi phí vẫn tăng.
Thay đổi chiến lược
Tuy nhiên, vụ Jonathan David cho thấy gió đang đổi chiều. Không còn những cuộc chạy đua điên cuồng giành chữ ký của cầu thủ tự do, bởi các CLB giờ đây tỉnh táo hơn trước gánh nặng hoa hồng. Những khoản phụ phí giờ được tính toán kỹ lưỡng, gắn với quỹ lương theo tiêu chuẩn Công bằng Tài chính mới của UEFA, buộc các đội bóng cân nhắc chặt chẽ hơn.
Juventus, vốn là bậc thầy trong khai thác thị trường cầu thủ tự do, cũng đang điều chỉnh. Không còn “ký dễ, ký nhanh” như trước, họ đàm phán lâu hơn và hạ giá dần dần. Napoli và Inter cũng theo xu hướng này, tiết chế chi phí bên ngoài thay vì vung tiền vô tội vạ. Bóng đá châu Âu dường như đang hướng tới một quá trình tự điều chỉnh cần thiết.
Tác động từ Saudi Arabia
Dù vậy, vẫn còn một biến số lớn: Saudi Arabia. Với tiềm lực tài chính khổng lồ, các CLB của họ tiếp tục “phá giá” thị trường bằng những lời đề nghị hậu hĩnh cả với cầu thủ lẫn đại diện. Mùa hè này, những lời mời từ Saudi Arabia xuất hiện khắp nơi, khiến cho xu hướng tiết chế của châu Âu gặp thử thách. Trong vài tuần tới, sẽ rất đáng theo dõi diễn biến xung quanh tương lai của Dusan Vlahovic và Victor Osimhen, 2 trung phong đang bước vào năm cuối hợp đồng. Ở những trường hợp này, khoản hoa hồng và phụ phí vẫn là chìa khóa then chốt.
Bóng đá hiện đại đã chứng minh “miễn phí” đôi khi là cái bẫy ngôn ngữ. Phí chuyển nhượng bằng 0 không đồng nghĩa với chi phí thấp, khi mà các đại diện cầu thủ ngày càng đòi hỏi lớn và các CLB buộc phải đáp ứng. Tuy nhiên, dưới áp lực của công bằng tài chính và sự tỉnh táo hơn từ các CLB, xu hướng “ký bằng mọi giá” đang dần nhường chỗ cho sự cân nhắc và chiến lược. Thị trường cầu thủ tự do vẫn sôi động, nhưng luật chơi đã bắt đầu thay đổi.