Tổng cộng, đội bóng áo sọc xanh-đen đã thu về hơn 140 triệu euro nhờ bán đi những cầu thủ trưởng thành từ đội Primavera. Tính trung bình, mỗi mùa giải họ thu về khoảng 10 triệu euro từ nguồn này, con số không nhỏ đối với một đội bóng từng nhiều năm vật lộn với bài toán tài chính và luật công bằng tài chính (FFP).
Từ Balotelli đến Pinamonti: Đỉnh cao thương vụ “bán lúa non”
Mùa hè năm 2010, chỉ vài tuần sau cú ăn ba lịch sử, Inter bán Balotelli cho Man City với mức giá lên tới 29,5 triệu euro, một con số kỷ lục cho một cầu thủ trưởng thành từ học viện. Thời điểm đó, nhiều người cho rằng Inter sẽ phải hối tiếc, nhưng thực tế chứng minh điều ngược lại. Balotelli chưa bao giờ đạt đến kỳ vọng, và Inter đã bán anh vào đúng thời điểm… đắt nhất.
Ngay sau Balotelli là Andrea Pinamonti, người hai lần được bán, đầu tiên là cho Genoa, sau đó quay lại rồi tiếp tục sang Sassuolo, với tổng giá trị chuyển nhượng lên tới 40 triệu euro. Dù là một trung phong ổn định ở Serie A, Pinamonti chưa bao giờ cho thấy anh đủ khả năng đá chính ở một đội bóng tầm Inter.
Xếp thứ ba là Cesare Casadei, một thương vụ rất “dị”. Dù chưa ra sân chuyên nghiệp trận nào cho Inter, Casadei vẫn được Chelsea mua với giá 15 triệu euro vào năm 2022. Sau đó, anh được đem cho mượn ở Anh và hiện đang khoác áo Torino, nơi Casadei đang có bước phát triển tích cực.
Không thành sao vẫn… thu lời
Không phải cầu thủ nào Inter bán cũng trở thành ngôi sao, nhưng CLB vẫn thường thu được lợi ích tối đa. Những cái tên như Zinho Vanheusden, Ionut Radu, Davide Faraoni, Nicolo Zaniolo hay Mattia Destro là những ví dụ điển hình.
Vanheusden từng được kỳ vọng là thủ lĩnh hàng thủ tương lai, nhưng chấn thương dai dẳng khiến sự nghiệp anh chững lại. Radu thì nổi tiếng với sai lầm chí mạng khiến Inter mất điểm trước Bologna, kéo theo mất luôn Scudetto 2021/22. Faraoni luôn ổn định ở các CLB tầm trung, còn Zaniolo và Destro chưa bao giờ thực sự bùng nổ dù từng có thời điểm sáng giá.
Bonucci và Di Gregorio: 2 nỗi tiếc nuối lớn
Bonucci từng thuộc biên chế Inter, nhưng bị đem cho mượn liên tục trước khi được Genoa mua đứt với giá khoảng 4 triệu euro năm 2009. Sau đó, anh chuyển sang Bari, rồi tỏa sáng rực rỡ trong màu áo Juventus. Dù vậy, cái giá phải trả lại không quá đắt nếu nhớ rằng vụ bán Bonucci nằm trong chuỗi thương lượng giúp Inter chiêu mộ Diego Milito và Thiago Motta, 2 công thần trong cú ăn ba mùa 2009/10.
Trường hợp Di Gregorio thì đau hơn. Anh từng bị đánh giá thấp hơn Radu trong hệ thống thủ môn trẻ, bị cho mượn đến nhiều CLB hạng dưới. Nhưng tại Monza, Di Gregorio vụt sáng và cuối cùng được Juventus mua lại với giá 18 triệu euro. Việc Inter để mất anh mà không giữ quyền mua lại đã khiến ban lãnh đạo tiếc nuối thực sự và chính điều đó ảnh hưởng trực tiếp đến cách họ xử lý thương vụ Stankovic sau này.
Stankovic: Bước đi mới, tư duy mới
Aleksandar Stankovic, con trai của huyền thoại Dejan Stankovic, chính là ví dụ điển hình cho sự “tiến hóa” trong chính sách chuyển nhượng của Inter. Không chỉ thu về khoản tiền tốt, Inter còn giữ điều khoản mua lại và phần trăm chuyển nhượng sau này. Cách làm này vừa bảo vệ quyền lợi lâu dài của CLB, vừa khuyến khích cầu thủ phát triển trong môi trường phù hợp hơn.
Có thể nói, Inter đã biến lò đào tạo thành một trung tâm sản sinh tài năng, chuyển hóa tài năng thành tài chính, với tầm nhìn xa và sự tính toán hợp lý. Trong bối cảnh bóng đá châu Âu ngày càng cạnh tranh và rủi ro tài chính gia tăng, mô hình “tự nuôi mình” từ học viện như của Inter xứng đáng được xem là kiểu mẫu.
Chuyển động Inter hè 2025
Đến: Luis Henrique (Marseille, 23 triệu euro), Ange-Yoan Bonny (Parma, 23), Petar Sucic (Dinamo Zagreb, 14), Nicola Zalewski (mua đứt từ AS Roma, 6,3)
Đi: Aleksandar Stankovic (Club Brugge, 10), Martín Satriano (Lens, 5), Filip Stankovic (Venezia, 1,5)