Sau 25 trận tại Premier League, Amorim chỉ thắng được vỏn vẹn 6 trận. Đó là một con số quá nghèo nàn, dù là đặt dưới bất kỳ lăng kính nào. Amorim không phải là không có thời gian. Hơn nửa năm có thể coi là nhiều rồi. MU hiện tại đúng là tệ, nhưng cũng không tệ hại như những gì được phản ảnh trên bảng kết quả hay bảng xếp hạng.
Aston Villa thời Unai Emery mới tới, hay Chelsea khi được Antonio Conte tiếp quản, cũng đều hỗn loạn như vậy. Nhưng hãy xem họ đã làm gì?
Emery kéo Aston Villa từ vị trí thứ 17 lên nhóm dự Champions League, và sau đó vào tới tứ kết giải đấu số một châu Âu trong khi có mặt ở bán kết FA Cup, và vẫn đang cạnh tranh cho vé dự Champions League mùa sau.
Conte thì vô địch Premier League ngay mùa đầu tiên, cũng với sơ đồ 3 hậu vệ. Như Amorim, HLV người Italia “không có những cầu thủ phù hợp”, nhưng vẫn xoay xở để tạo ra một đội hình chiến thắng (với Marcos Alonso và Victor Moses đá wing-back).
Amorim không thể làm được như Conte, đó là đặt những cầu thủ vốn không được sinh ra để đá trong sơ đồ 3 trung vệ, như Alonso và Moses, vào những vị trí mới do thời cuộc yêu cầu và giúp họ tỏa sáng. Ông cũng không làm được như Emery, là nhanh chóng thích nghi với những gì mình có và sớm có được những kết quả tích cực.
Amorim một mặt luôn nói rằng MU chưa có những cầu thủ phù hợp, mặt khác lại vẫn khư khư bám lấy sơ đồ 3-4-2-1. Để làm gì, nếu hết mùa này ông lại đón một lứa cầu thủ mới?
Vấn đề là ở chỗ: không ai trong ban lãnh đạo MU dường như sẵn sàng nói ra điều đó. Sir Jim Ratcliffe đã chứng kiến hai quyết định lớn không thành công (Ten Hag và Dan Ashworth), nên giờ ông thận trọng đến mức gần như bất động. Nhưng Amorim lại là người duy nhất thừa nhận sự thật. Ông từng nói rằng đội bóng của mình có thể không đủ khả năng đá vừa Premier League vừa Champions League. Và nếu chính HLV cũng hoài nghi năng lực của đội bóng, thì tại sao người hâm mộ lại phải tin?
Sự thật cần phải đối mặt: dù có thắng Tottenham và giành vé dự Champions League, MU cũng không thể bước vào mùa giải tới với tâm thế cạnh tranh nếu không cải tổ mạnh mẽ trong mùa Hè này. Và "cải tổ" ở đây không chỉ là mua thêm vài cầu thủ đắt giá. Đó phải là một cuộc tái thiết triệt để từ lối chơi, cấu trúc nhân sự cho đến tư duy vận hành đội bóng. Những điều mà Amorim, cho đến nay, chưa cho thấy rằng ông có thể làm được.
Người ta vẫn thường nhắc lại phép màu của Sir Alex Ferguson mùa 1989; ông thoát án sa thải, sau đó vô địch FA Cup và cuối cùng tạo ra một đế chế. Điều này ám ảnh mọi thế hệ lãnh đạo của MU. Tất cả đều sợ để tuột mất một Sir Alex thứ hai. Do đó họ luôn e dè, thậm chí sợ sệt, mỗi khi đứng trước câu hỏi sa thải hay không sa thải một HLV. Điều đó đã xảy ra với Ten Hag. Và có thể sẽ lặp lại với chính Amorim, trong trường hợp MU lên ngôi ở cúp châu Âu.
Nếu chung kết Europa League là "canh bạc cuối" của Amorim, thì đó là một canh bạc đầy rủi ro. Cho cả ông lẫn chính đội bóng mà ông đang được yêu cầu tái thiết…